TextHead
TextBody
Hotline Messager Zalo
Tin thị trường

Tin thị trường

Tin thị trường Tin nội bộ Báo chí nói vê chúng tôi Hoạt động xã hội

Chuyên gia đưa ra 5 trụ cột phát triển du lịch Phú Quốc

03/06/2022

Du lịch Phú Quốc có thể phục hồi, phát triển bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp thị, tay nghề nguồn nhân lực, quản lý điểm đến và chuyển đổi số.

 

Đây là 5 đề xuất ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nêu ra trong hội thảo "Phú Quốc - Sức sống mới, Tiềm năng và Cơ hội mới" tại khách sạn New World Phu Quoc Resort.

 

Sản phẩm du lịch bền vững và an toàn

 

Ông Chính cho biết, số lượng du khách quốc tế tới Phú Quốc chiếm khoảng 5% so với cả nước. Ông đánh giá đây là tỷ trọng khá lớn. Lượng du khách nước ngoài tới Phú Quốc trong hai năm 2019-2020 không cao song mang lại tổng thu nhập khá lớn trong ngành du lịch, khoảng hơn 14 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, thời gian lưu trú với cả khách du lịch nội địa và quốc tế đều có xu hướng tăng lên. "Không phải nơi nào cũng làm được điều này. Các điểm đến, sản phẩm du lịch đã kéo chân khách du lịch, với nhiều đổi mới, biến chuyển", ông khẳng định.

 

Theo đó, ông nhấn mạnh việc cần có nghiên cứu và đánh giá thị trường để hiểu khách hàng muốn gì và cần gì để tìm ra đúng sản phẩm du lịch. Ảnh hưởng của Covid-19 đã làm thay đổi hết những kinh nghiệm mà trước đây ông từng biết về thị trường, cần phải nghiên cứu lại để đưa ra tư vấn, thay vì làm theo những hiểu biết cách đây 20-30 năm.


Ông Hoàng Nhân Chính trình bày tham luận tại hội thảo.

 

Các sản phẩm cũng cần điều chỉnh, đánh giá lại để phù hợp với xu hướng mới - du lịch theo nhóm bạn bè, nhóm nhỏ. Trước đó, TAB, VnExpress và một số đơn vị khác thực hiện khảo sát với hai thị trường khách du lịch chính (Hà Nội và TP HCM). Kết quả cho thấy tỷ lệ người đi du lịch theo nhóm gia đình và bạn bè có tỷ lệ lần lượt là 51,2% và 25,3%.

 

Bên cạnh đó, khi lọc ra trong hơn 1.000 câu trả lời của người quan tâm đến du lịch Phú Quốc, người Việt Nam sau dịch có tâm lý muốn du lịch rất sớm, rất nhanh. Trong đó, du khách ưu tiên về an toàn dịch bệnh hơn cả ưu đãi, giảm giá. "Khách du lịch cũng quan tâm đến các chính sách nới lỏng, huỷ, thay đổi tour, quan trọng hơn cả giảm giá. Đây là lưu ý cho các doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm", ông nói.

 

Do đó, các doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch an toàn và phục vụ cho du lịch ngách mang tính đặc thù, chuyên biệt. Song song, chính quyền địa phương nên tổ chức các chuyến khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp; khuyến khích du lịch xanh, an toàn.

 

Khảo sát này cũng cho thấy nhu cầu du lịch biển, thiên nhiên được quan tâm, đặc biệt là khám phá ẩm thực, đứng thứ hai sau an toàn dịch bệnh. Doanh nghiệp có thể nắm bắt tâm lý này để cải thiện sản phẩm cũng như thông điệp truyền thông.

 

Quảng bá du lịch hiệu quả

 

Về khía cạnh quảng bá xúc tiến du lịch hiệu quả, ông Hoàng Nhân Chính đề xuất nên làm theo hướng du lịch tiếp thị số. "Phải đi bằng tiếp thị số và ông nhìn nhận các nước xung quanh rất mạnh điều này", ông nói.

 

Từ kinh nghiệm thực tiễn của TAB, ông tiếp tục đề cao công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược tiếp thị. Đồng thời, địa phương cũng như các doanh nghiệp cần đầu tư về mặt nội dung, quan hệ truyền thông để tạo niềm tin cho du khách và tận dụng mọi nguồn lực, lan tỏa hiệu quả thông điệp về điểm đến an toàn.

 

Ông Hoàng Nhân Chính đề xuất phương án quảng bá du lịch hiệu quả.

 

Nguồn nhân lực du lịch có tay nghề cao

 

TAB khảo sát và nhận thấy nguồn nhân sự du lịch hiện tại đang thiếu rất nhiều sau khi bùng phát Covid-19. Việc tiếp cận khách du lịch cũng đã thay đổi, do đó, nguồn nhân lực cần được đào tạo lại.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên có chính sách đãi ngộ phù hợp để giữ chân đội ngũ lao động nòng cốt; chương trình đào tạo phát triển kỹ năng làm việc nhóm và an toàn cho đội ngũ nhân viên và chuẩn bị nguồn nhân lực. Về phía chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ trường đào tạo nghề, thường xuyên mở các lớp nghiệp vụ du lịch...

 

Quản lý điểm đến bền vững và an toàn

 

Ông cho rằng, địa phương, doanh nghiệp cần tăng cường hội đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc, trở thành tổ chức quản lý điểm đến đa thành phần, đối thoại và hợp tác công tư, xử lý khủng hoảng khi bùng dịch, sự cố môi trường, tổ chức sự kiện phù hợp với bình thường mới, điều tiết hoạt động du lịch của điểm đến.

 

Tiếp theo là cải thiện quản lý điểm đến thông qua cơ chế chính sách, sản phẩm du lịch, quảng bá tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho các bên liên quan...

 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có thể xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp du lịch để tăng tính đồng bộ, chất lượng dịch vụ trên toàn thành phố.

 

Các khách mời, diễn giả, doanh nghiệp tham gia sự kiện chiều 26/11.

 

Chuyển đổi số trong du lịch

 

Cũng theo khảo sát trên, du khách từ Hà Nội và TP HCM đặt dịch vụ du lịch qua nền tảng trực tuyến 43% tăng hơn so với khảo sát trước 36%. Trong khi đó, khách tự đặt tour trực tiếp chỉ đạt 31%, giảm hơn so với trước 40%. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cũng như cơ quan quản lý nhà nước cần sớm chuyển đổi số và phân phối trực tuyến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

 

Ông khuyến nghị các ứng dụng số trong các hoạt động của doanh nghiệp du lịch, ưu tiên ngay cho nghiệp vụ đặt chỗ và tiếp thị; xây dựng điểm đến, ứng dụng thông minh cho Phú Quốc.

 

Cuối bài phát biểu, ông Chính cho rằng, hạ tầng giao thông Phú Quốc có sự chuyển biến rõ rệt, đặt biệt là sân bay - nơi kết nối thành phố biển với các nơi khác. "Phú Quốc không chỉ cạnh tranh với các điểm đến nội địa, mà còn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore... Đặc biệt, cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nước khác trong khu vực", Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch nhấn mạnh.